Nhà văn, nhà diễn thuyết nổi tiếng Earl Nightingale đã từng nói: "Chúng ta là những gì mà chúng ta nghĩ". Điều này có thể không đúng hoàn toàn với một số người, nhưng việc sở hữu một thái độ và tư tưởng đúng đắn đã là chìa khóa giúp nhiều người đạt đến thành công.
Nói một cách trung thực, thành công là một cụm từ mang tính chủ quan và không phải ai cũng đồng ý với những yếu tố tạo nên chúng. Dưới đây là danh sách 9 điều bạn cần ngừng làm nếu muốn cảm thấy (hoặc trở nên) thành công, được giới thiệu trên trang Lifehack.
1. Đừng quá cầu toàn
Thông thường, chúng ta hay dễ bị nản lòng trước những sự việc diễn ra không như mong muốn, bị stress vì những chuyện nhỏ nhặt hay thậm chí tự dằn vặt mình mỗi khi mắc sai lầm. Là bởi bạn là người có tính cầu toàn - muốn mọi việc phải đúng như mình nghĩ và mong.
Tuy nhiên, bạn cần biết rằng trong cuộc sống không có điều gì là hoàn hảo, và việc để xảy ra sai sót là chuyện bình thường. Ai cũng có thể phạm sai lầm và nhờ chúng bạn mới có cơ hội trưởng thành hơn.
Thêm vào đó, việc bạn căng thẳng khi không kiểm soát được mọi chuyện hay bực mình vì những thứ vặt vãnh cũng không khiến tình hình khá lên được, đó là chưa kể chúng còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn và làm cho bạn kém minh mẫn hơn để tìm ra giải pháp hợp lý nhất.
Hãy bắt đầu bằng việc nói rằng bạn sẽ cố gắng hết sức có thể, bởi sau cùng thì bạn không phải cạnh tranh với ai ngoại trừ chính mình.
2. Đừng cố làm hài lòng hết mọi người
Điều quan trọng là bạn phải nhận ra giới hạn của bản thân bởi người khác hay có xu hướng "kiểm tra" chúng. Con người là động vật xã hội, chúng ta muốn tương tác với những người khác và muốn cảm thấy mình là một phần của cộng đồng, hoặc trở nên đặc biệt với một cá thể nào đó bên cạnh xu hướng cố làm hài lòng những người xung quanh.
Bạn đã bao giờ cố gắng giúp đỡ một đồng nghiệp mặc dù thực sự bạn không đủ khả năng làm điều đó, hoặc cho ai đó vay tiền trong khi số tiền trong túi bạn còn không đủ để cho mượn?
Để không cảm thấy tội lỗi, người ta thường không nỡ đưa ra lời từ chối dù cho bản thân biết rõ mình khó lòng đáp ứng đề nghị. Nhưng, đừng nên nghi ngờ linh cảm của mình và hãy mạnh dạn từ chối nếu bạn cho rằng nên làm vậy.
Chưa kể, từ chối còn là cách tốt nhất giúp bạn chọn những việc ưu tiên cần làm, thể hiện cho người khác thấy quy tắc của bản thân và đòi hỏi sự tôn trọng từ họ.
3. Đừng tự dằn vặt bản thân
Hầu hết chúng ta từng có những suy nghĩ tiêu cực hay lưu lại trong ký ức những việc làm sai trái. Hành động bắt nạt đứa bạn hồi lớp 4, bị sa thải, hay tình cờ nghe ai đó nói xấu mình... Tất cả đều có thể hằn sâu trong tâm trí bạn.
Tuy nhiên, việc nhớ lại những điều đó và liên tục dằn vặt bản thân vì những lỗi lầm trong quá khứ chẳng giúp ích được gì. Thay vào đó, hãy tìm ra bài học từ những lỗi lầm ấy, lấy đó kinh nghiệm để không mắc phải sai lầm tương tự là điều đáng làm và quan trọng hơn nhiều.
Nếu bạn đã từng tự nói với mình rằng "Tôi không xinh đẹp", "Tôi đã làm điều kinh khủng này trong suốt 5 năm và chưa bao giờ tha thứ cho bản thân" hay bất kỳ ý nghĩ tiêu cực nào khác, thì hãy ngừng ngay việc đó lại.
Hãy nhìn vào gương và nói những điều tốt đẹp về mình, đọc những câu nói truyền cảm hứng, thẳng thắn với bản thân rằng ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng quan trọng là chúng ta học được gì từ chúng và làm thế nào để vượt qua sau tất cả mọi chuyện.
4. Đừng chỉ lo những thứ trước mắt
Những người thành công hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc lên kế hoạch. Họ đặt ra kế hoạch mỗi ngày, cho từng mục tiêu, khoản ngân sách và cách tiết kiệm tiền cho tuổi già sắp đến.
Dù vậy, điều đó không có nghĩa họ sống trong căng thẳng. Luôn luôn có niềm vui trong từng kế hoạch của những người thành công này, họ khiến thời gian làm việc hiệu quả, vui vẻ tiết kiệm và nghĩ về tương lai.
Vì vậy, đừng chỉ chăm chăm làm việc vì ngày hôm nay mà hãy nghĩ về ngày mai và tận hưởng chúng, thử nghĩ về nơi bạn muốn ở trong 5, 10 hay 15 năm nữa.
5. Đừng lờ đi các mục tiêu
Ngưng việc nghĩ rằng vì bạn là người tốt nên những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn, bởi chúng chỉ đến với những ai biết nỗ lực làm việc, và một phần trong đó chính là thiết lập các mục tiêu.
Điều này cũng giống như việc bạn chăm chỉ làm việc hàng ngày là chưa đủ, điều quan trọng là bạn cần biết quản lý thời gian và thiết lập các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để có thể theo dõi tiến độ và có động lực phấn đấu.
6. Đừng tự cô lập bản thân
Những người thành công hiểu rằng công việc, tôn giáo hay những nghĩa vụ tương tự khác không phải là tất cả khi bên cạnh họ còn có gia đình, thú tiêu khiển và những đam mê khác.
Chúng ta thường thấy ấn tượng với những người thành công (hoặc tỏ vẻ thành công) khi họ bận đến mức không có thời gian rảnh rỗi và giao tiếp với những người xung quanh. Tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn đúng.
Việc tách biệt bản thân với cộng đồng có thể giết chết bạn. Trên thực tế, nhiều người thành công đã làm chủ được nghệ thuật cân bằng trong cuộc sống. Họ không xa lánh những người mà họ yêu mến chỉ vì cần thực hiện những mục tiêu hay tham vọng nào đó. Thay vào đó, họ đưa những người quan trọng đối với mình vào mọi kế hoạch và mục tiêu tương lai.
7. Đừng so sánh bản thân với người khác
Những người thành công hiểu rằng người duy nhất họ phải cạnh tranh ngày hôm nay là chính họ ngày hôm qua. Họ cũng luôn tập trung vào bản thân và việc hoàn thành mục tiêu thay vì lo lắng bất cứ điều gì khác.
Họ không muốn so sánh mình với người khác vì điều đó không đem lại ích lợi gì. Tuy nhiên, họ nhận ra được đâu là điểm yếu của mình và thực sự ngưỡng mộ những ai làm được điều mà bản thân họ chưa làm được.
Ngoài ra, việc tự so sánh chính mình với người khác hoàn toàn vô dụng, nó chỉ gây tổn hại đến lòng tự trọng của bạn và làm phát sinh những suy nghĩ tiêu cực trong thời gian dài.
8. Đừng sống mãi trong quá khứ
Người thành công học từ thất bại của mình nhưng họ không sống trong quá khứ. Họ thu được những kỹ năng, rút ra bài học và áp dụng chúng cho hiện tại và tương lai.
Quá khứ không nói lên bạn là ai của ngày hôm nay cả, đừng để chúng ám ảnh bạn. Thay vì vậy, hãy định nghĩa bản thân bằng những gì bạn làm ở hiện tại và điều bạn hướng đến trong tương lai.
Thomas Edison đã từng thất bại nhiều lần trước khi phát minh thành công bóng đèn điện. Nếu đó là bạn, bạn sẽ làm gì nếu ngày hôm qua là một thất bại? Hãy thử lại, nhiều và nhiều lần nữa đến khi nào thành công.
Thất bại dạy cho chúng ta những cách không hiệu quả và giúp chúng ta tiến gần hơn tới thành công. Hãy tự chọn cho mình một thái độ hợp lý và kiểm soát nó và tiếp tục cố gắng. Bạn cần nhớ rằng, thất bại cũng chính là một thông tin phản hồi.
9. Đừng chịu đựng những người giả dối
Người thành công đánh giá cao người khác vì tính cách và tài năng nổi trội của họ - những người không cố gắng làm hại, xem thường hay tìm cách hạ thấp người khác chỉ vì thành công của họ. Người thành công giao thiệp rộng rãi với mọi người nhưng biết đâu là điểm dừng và họ không nói dối.
Đây cũng là những người không chịu được những ai thiếu trung thực và suy nghĩ tiêu cực, một phần bởi họ quá bận để yêu thương những người trung thực, chân thành.
Theo DNSG
No comments:
Post a Comment